Hen phế quản và cách phòng ngừa hiệu quả

Hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính đường thở, làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở, làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra ban đêm hay vào sáng sớm. Đây là một bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được và người bệnh có cuộc sống bình thường nếu được điều trị, dự phòng tốt.

Nguyên nhân của bệnh hen thường do các yếu tố như: Nhiễm khuẩn, đặc biệt nhiễm vi rút đường hô hấp trên; tình trạng ô nhiễm môi trường: khói thuốc lá, thuốc lào, khói bếp, bụi nhà, bụi lông gia súc, gia cầm, bụi xác côn trùng, nấm mốc, phấn hoa…; dị ứng các loại thức ăn: tôm, cua, cá, nhộng tằm…; tiếp xúc một số muối kim loại, bụi gỗ, hơi xăng dầu…; ngoài ra khi xúc động mạnh, vui buồn quá độ; thay đổi nội tiết khi thai nghén, kinh nguyệt, khi người bệnh làm việc gắng sức…

BSCKI. Nguyễn Mạnh Khang – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: “Triệu chứng điển hình của bệnh hen phế quản là: Ho, khò khè, nặng và tức ngực, thở ngắn hơi. Hen phế quản có thể được kiểm soát tốt nếu được điều trị đúng cách, theo dõi chặt chẽ, dùng thuốc dự phòng đều đặn và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Do đó, người bệnh cần đi khám chuyên khoa và phải tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Tránh tự chữa bằng thuốc cắt cơn hen tức thời có giá rẻ, cắt cơn hiệu quả nhưng lạm dụng sẽ ảnh hưởng tới thần kinh, dùng lâu ngày sẽ dẫn đến mất hiệu quả tác dụng của thuốc gây khó khăn trong việc cấp cứu, điều trị”.

Để giảm tần suất xuất hiện các cơn khó thở, ngoài việc dùng thuốc, việc kiểm soát, dự phòng hen là rất cần thiết. Người bệnh cần tránh các yếu tố nguy cơ, tránh tiếp xúc các dị nguyên có thể gây khởi phát cơn hen như: phấn hoa, lông súc vật, bụi nhà, nấm mốc, khói thuốc, tránh dùng các thức ăn hoặc thuốc gây dị ứng, phòng tránh và điều trị triệt để các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp… Khi đi ra ngoài, cần phải có biện pháp đối phó với bụi ô nhiễm như mang khẩu trang để tránh hít phải khói, bụi và các mùi khó chịu. Tiêm phòng vắc-xin cúm giúp bảo vệ chống lại vi rút cúm. Cơ địa đang mắc hen suyễn, nếu bị cúm, có thể làm khởi phát đợt cấp hen suyễn và làm cho các triệu chứng hen suyễn nặng hơn.

Người mắc bệnh hen phế quản nên tập thể dục giúp nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng cơ thể giúp chức năng hô hấp làm việc tốt. Ăn uống đủ chất và uống đủ nước. Đồng thời, tuân thủ đúng việc uống thuốc dự phòng theo chỉ định của bác sĩ, tái khám đúng hẹn