Hen suyễn là bệnh viêm đường hô hấp mãn tính ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên toàn cầu. Mối nguy hiểm của bệnh hen nằm ở sự xuất hiện đột ngột của cơn hen cấp khiến người bệnh bị khó thở. Hiện nay, đã có một loại thuốc mới được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt dùng để cắt cơn hen,mở ra nhiều lựa chọn điều trị hơn cho người bệnh.
Bệnh hen suyễn ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của rất nhiều người, với các triệu chứng khác nhau và có thể nặng lên theo thời gian. Tình trạng lâu dài hoặc các cơn hen xuất hiện thường xuyên có thể khiến đường thở bị viêm và hẹp lại. Người lên cơn hen suyễn có thể ho, thở khò khè, cảm thấy tức ngực và khó thở.
Trước đây, khi bệnh nhân có các triệu chứng của cơn hen cấp, thường sử dụng SABA (ví dụ như albuterol) như một loại thuốc cấp cứu. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng SABA có thể sẽ không giải quyết dứt điểm được tình trạng viêm, khiến bệnh nhân có nguy cơ gặp lại một đợt cấp nặng hơn. Điều này có thể dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống hoặc nặng hơn là bệnh nhân phải nhập viện hoặc phải sử dụng corticosteroid đường uống (OCS) thường xuyên. Việc sử dụng OCS có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe bất lợi bao gồm bệnh tiểu đường loại 2, trầm cảm/lo lắng, suy thận, đục thủy tinh thể, bệnh tim mạch, viêm phổi và gãy xương. Ngoài ra, hiện nay các khuyến nghị của một số Tổ chức về bệnh hen suyễn trên toàn cầu không còn ưu tiên sử dụng SABA đơn độc trong việc cắt cơn hen.

Vào ngày 11 tháng 01 năm 2023, FDA đã phê duyệt Airsupra, thuốc có sự kết hợp của albuterol và budesonide, để phòng ngừa hoặc điều trị cơn hen cấp ở người trưởng thành mắc hen suyễn.
Airsupra trước đây được biết đến với biệt dược là PT027. Airsupra có thể coi là dạng thuốc đầu tiên có chứa corticosteroid dạng hít, được FDA phê duyệt là thuốc cắt cơn chứ không phải là thuốc kiểm soát các triệu chứng hen suyễn.
Trước khi phê duyệt, FDA đã đánh giá hiệu quả của thuốc trong việc giảm các cơn hen suyễn nghiêm trọng trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, có kiểm soát với những bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn từ trung bình đến nặng.
Kết quả cho thấy, người bệnh trưởng thành được điều trị bằng Airsupra, như một loại thuốc cắt cơn hen, đã giảm 28% nguy cơ lên cơn hen nặng so với những bệnh nhân chỉ sử dụng albuterol. Trên tiêu chí đánh giá về số lần phải sử dụng corticosteroid toàn thân hàng năm, Airsupra đã cho thấy mức giảm đáng kể so với albuterol ở liều được phê duyệt là 180mcg albuterol/160mcg budesonide.
Ngoài ra, ở một số thử nghiệm trên bệnh nhân mắc hen từ nhẹ đến trung bình, Airsupra cho thấy sự cải thiện đáng kể về chức năng phổi so với khi sử dụng các thành phần riêng lẻ albuterol và budesonide.
Bradley E. Chipps, Nguyên Chủ tịch Trường Dị ứng, Hen suyễn & Miễn dịch học Hoa Kỳ và Giám đốc Y tế của Trung tâm Dị ứng & Bệnh Hô hấp Capital ở Sacramento, Hoa Kỳ, cho biết: “Những người mắc bệnh hen suyễn có nguy cơ bị các đợt kịch phát nghiêm trọng bất kể mức độ của bệnh. Trong khi đó, thuốc albuterol có thể làm giảm các triệu chứng trong cơn cấp tính, nhưng không có tác dụng điều trị chứng viêm tiềm ẩn trong bệnh hen suyễn. Sự chấp thuận đối với Airsupra mang đến giải pháp đồng thời trong việc kiểm soát cả triệu chứng và nguồn gốc gây ra cơn hen cấp tính.”

Airsupra hiện đang được phát triển bởi hai hãng dược phẩm lớn là AstraZeneca và Avillion. Mene Pangalos, Phó chủ tịch điều hành, R&D BioPharmaceuticals, AstraZeneca, cho biết: “Với hơn 10 triệu bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn mỗi năm ở Hoa Kỳ và bệnh hen suyễn không được kiểm soát dự kiến sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ hàng tỷ đô la cho chi phí y tế trong 20 năm tới. VÌ thế, quyết định phê duyệt Airsupra là một tin tốt cho những người trưởng thành mắc bệnh hen suyễn, đối tượng chiếm hơn 80% bệnh nhân hen suyễn ở Hoa Kỳ”
Airsupra được sản xuất ở dạng bình xịt định liều (pMDI) bằng công nghệ phân phối Khí quyển của AstraZeneca và được sử dụng bằng đường hít giống như các loại thuốc cắt cơn hen khác. Tuy nhiên, FDA khuyến cáo, bệnh nhân không nên sử dụng quá sáu liều, tức là 12 lần hít, trong 1 ngày. Những bệnh nhân có tiền sử bị rối loạn tim mạch, rối loạn co giật, cường giáp, tiểu đường và nhiễm toan ceton nên thận trọng khi sử dụng thuốc này. Ngoài ra, không sử dụng Airsupra nếu bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Các tác dụng phụ phổ biến khi sử dụng Airsupra là đau đầu, nhiễm nấm tại khoang miệng, ho và khó nói. Để tránh bị nhiễm nấm tại khoang miệng, sau khi sử dụng thuốc, người bệnh nên súc miệng với nước muối hoặc các dung dịch súc miệng.
Tóm lại, Airsupra, mặc dù là sự kết hợp của 2 hoạt chất cũ, nhưng đã đem đến những kết quả điều trị đáng mong đợi cho bệnh nhân mắc hen suyễn. Hiện nay, Airsupra mới được chỉ định dùng cho người lớn trên 18 tuổi, chưa có khuyến nghị sử dụng cho trẻ em.
Tài liệu tham khảo
- Cara Murez (Ngày đăng: Ngày 12 tháng 01 năm 2023). FDA Approves New 2-Drug Combo Medicine for Asthma, U.S.News. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 04 năm 2023.
- Dược sĩ Đặng Mai Hương. Ngày đăng: Ngày 23 tháng 02 năm 2022. . Tổng quan về bệnh Hen Phế Quản (HPQ). nhathuocngocanh.com. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 04 năm 2023.
- Dược sĩ Lưu Anh. Ngày đăng: Ngày 08 tháng 04 năm 2022. Sử dụng hợp lý các thuốc điều trị bệnh hen phế quản. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 04 năm 2023.
- Dược sĩ Lưu Anh. Ngày đăng: Ngày 09 tháng 02 năm 2022 . Hen suyễn ở người lớn: Nguyên nhân, chẩn đoán và phương pháp điều trị theo BMJ. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 04 năm 2023.
- Dược sĩ Nguyễn Hậu. Ngày đăng: Ngày 24 tháng 08 năm 2022 . Tezepelumab ở người lớn và thanh thiếu niên bị hen suyễn nặng, không kiểm soát được. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 04 năm 2023.
- Một số điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc cho người cao tuổi. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 04 năm 2023.
- Astrazeneca (Ngày đăng: Ngày 11 tháng 01 năm 2023). Airsupra (PT027) approved in the US for asthma, Astrazeneca. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 04 năm 2023.
- Dược sĩ Lan Anh. Ngày đăng: Ngày 11 tháng 01 năm 2021. Bệnh Hen Phế Quản Ở Trẻ Em Và Những Điều Cần Biết. trungtamthuoc.com. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 04 năm 2023.
- Dược sĩ Lưu Văn Hoàng. Ngày đăng Ngày 19 tháng 11 năm 2021. Hen Phế Quản Cấp: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 04 năm 2023.
- Dược sĩ Lan Anh. Ngày đăng: Ngày 11 tháng 11 năm 2021. Cơn Hen Phế Quản Cấp Ở Trẻ: Triệu Chứng, Xử Trí Và Phác Đồ Điều Trị. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 04 năm 2023.
Theo trungtamthuoc.com