Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao

Hưởng ứng ngày Thế giới Phòng chống lao (24/3) năm nay Việt Nam lấy chủ đề là “Việt Nam chiến thắng COVID – Chấm dứt bệnh lao”. Đây là hoạt động quan trọng hàng năm hướng đến cam kết chính trị của các cấp và hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao, đồng thời tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân và cộng đồng về bệnh lao và công tác phòng, chống lao. Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với mức độ lây lan cao trong cộng đồng, đe dọa và ảnh hưởng lớn tới tính mạng cũng như sức khỏe người bệnh. Bệnh lao có nhiều thể lao phổi và lao ngoài phổi như: Lao ruột, lao màng phổi, lao màng não… Bệnh lao có các dấu hiệu là ho, khạc kéo dài trên 2 tuần, tức ngực, khó thở, sốt nhẹ về chiều, gầy sút cân, trẻ em thì ra mồ hôi trộm, nặng có thể ho ra máu… Con số tử vong vì lao còn cao hơn nhiều số tử vong do COVID hay do tai nạn giao thông. Bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian. Nhưng người tử vong do lao chủ yếu là do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh lao là một bệnh lây nhiễm, tuy nhiên bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian. Nếu công tác phòng, chống lao nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, được sự chung tay của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng thì mục tiêu loại bỏ bệnh lao vào năm 2030 hoàn toàn có thể thực hiện được.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới và khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu, trong đó có khoảng 208.000 người nhiễm HIV chết do bệnh lao. Trong chiến lược chấm dứt bệnh lao “The End TB Strategy” đã được ban hành, WHO đã đưa ra mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trên toàn cầu đến năm 2020 giảm 20% số người bệnh lao mới mắc và 35% số người tử vong vì lao so với năm 2015, đến năm 2025 sẽ giảm tương ứng là 50% và 75%. Như vậy, tốc độ giảm mới mắc sẽ cần phải tăng lên từ 4 – 5%/năm giai đoạn đến năm 2020 và tăng lên 10%/năm giai đoạn đến năm 2025.

Từ khi COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố là “Đại dịch toàn cầu” vào cuối tháng 01/2020, dịch đã có tác động tiêu cực lớn đến sự phát triển của toàn xã hội, không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới. Do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao trên thế giới năm 2020 cũng đã giảm khoảng 20%. Tại Việt Nam, tỷ lệ này đã giảm 3,1%. Việt Nam hiện là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ước tính mỗi năm có 170.000 ca mắc mới (báo cáo WHO năm 2020). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Những gia đình có người mắc bệnh lao đối mặt với những chi phí thảm họa, nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả gia đình. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh Lao là đầu tư cho phát triển bền vững.

Năm 2020, Việt Nam cũng không nằm ngoài các nước bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Tuy nhiên, người dân đã có ý thức về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, có sự tương đồng giữa lao và COVID. Đồng thời, hệ thống chính trị cũng đã có đủ thông tin về vai trò của y tế trong phát triển kinh tế xã hội, các biện pháp giải quyết dịch bệnh đường hô hấp. Đó chính là cơ hội để Việt Nam thực hiện chấm dứt bệnh lao. Vì vậy, năm 2020 chủ đề hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao của Việt Nam là “Biến hiểm hoạ COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao”. Tiếp nối mạch này, chủ đề năm nay là “Việt Nam chiến thắng COVID – Chấm dứt bệnh lao”.

Ở Phú Thọ, trung bình mỗi năm ngành Y tế tỉnh khám phát hiện bệnh lao cho gần 25.000 lượt người, lấy trên 28.000 mẫu đờm xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao, phát hiện mới và đưa vào quản lý điều trị cho từ 650 đến 750 bệnh nhân. Tỉnh cũng đã duy trì hoạt động của mạng lưới phòng chống lao trong toàn tỉnh, lồng ghép tốt trong mạng lưới y tế cơ sở để thực hiện chiến lược hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trong điều trị, hạn chế lây lan trong cộng đồng. Nhờ đó, công tác phòng chống lao đã đạt được một số kết quả đáng mừng, với tỷ lệ điều trị khỏi bệnh đạt trên 93%, góp phần ngăn chặn bệnh lao, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp người mắc bệnh lao có thể khỏi hoàn toàn, hạn chế đến mức thấp nhất quá trình lây bệnh trong cộng đồng. Chủ đề hưởng ứng ngày Thế giới Phòng chống lao năm 2021 “Việt Nam chiến thắng COVID – Chấm dứt bệnh lao” muốn nêu rõ mục tiêu từ cuộc chiến chống COVID-19 mọi người hãy tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nếu các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng cùng vào cuộc, đoàn kết, chung tay, chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch bệnh COVID-19 và tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Lê Anh Hải – Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ