Cập nhật về thuốc điều trị lao mới trong điều trị bệnh lao đa kháng

Mặc dù có thể phòng ngừa và chữa khỏi bệnh lao, nhưng quá trình điều trị thường kéo dài (thường là 6 tháng). Do vậy, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị, như sự tuân thủ điều trị, tình trạng kháng thuốc hoặc xuất hiện các tác dụng phụ. Do vậy, bên cạnh việc tối ưu hóa các loại thuốc hiện có thì việc tìm hiểu và bổ sung các hoạt chất mới sẽ giúp ích rất nhiều cho kết quả điều trị.

1. Tổng quan về bệnh lao

Trong những năm cuối của thế kỷ 20, sự phát triển của các phương pháp điều trị lao đã chững lại do sự xuất hiện của HIV và bệnh lao kháng thuốc. Vào thời điểm đó, quá trình nghiên cứu các loại thuốc mới để điều trị lao gặp nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, trong 2 thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã rất nỗ lực trong việc nghiên cứu và phát triển các hợp chất mới hướng tới mục tiêu đẩy lùi bệnh lao trên toàn cầu. Vài năm trở lại đây, cùng với sự xuất hiện của một số loại thuốc điều trị lao mới thì tỷ lệ mắc bệnh lao đã giảm đáng kể 1 phần là do đại dịch COVID-19.

2. Các loại thuốc mới trong điều trị lao

Hiện nay, đã có nhiều hoạt chất mới được công bố, hứa hẹn tiềm năng trong hành trình đẩy lùi bệnh lao. Trong số đó, có một vài hoạt chất nổi bật được công nhận và có thể trở thành một phần trong phác đồ điều trị lao.

2.1. Thuốc điều trị lao Bedaquiline

Bedaquiline được phát triển bởi Johnson & Johnson, và đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị bệnh lao kháng thuốc vào năm 2012. 

Có thể nói, Bedaquiline mang đến một cơ chế hoạt động mới để điều trị bệnh lao trong hơn 40 năm. Bedaquiline nhắm vào quá trình tổng hợp ATP của vi khuẩn mycobacteria và do đó ngăn chặn quá trình chuyển hóa năng lượng của vi khuẩn lao. 

Bedaquiline được FDA phê duyệt trong điều trị bệnh lao đa kháng

Nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) của Bedaquiline trên lâm sàng ở mức 1 mg/L. Tác dụng diệt khuẩn của Bedaquiline chủ yếu dựa trên AUC (diện tích dưới đường cong)

Liều dùng của Bedaquiline bao gồm giai đoạn: liều nạp (2 tuần 400mg một lần mỗi ngày) và liều duy trì (200mg 3 lần mỗi tuần)

Tác dụng phụ chính của bedaquiline là kéo dài khoảng QT. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc kết hợp bedaquiline với delamanid, một loại thuốc cũng gây kéo dài khoảng QT, nhưng dữ liệu gần đây cho thấy sự kết hợp này không làm cho tác dụng phụ nghiêm trọng hơn trên lâm sàng. 

Việc bổ sung Bedaquiline vào phác đồ nền trong một số thử nghiệm điều trị cho các bệnh nhân mắc lao đa kháng cho thấy khả năng rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả điều trị. Ngoài ra, vào tháng 5 năm 2022, WHO đã thông báo về việc ủng hộ chế độ điều trị 6 tháng bằng bedaquiline, pretomanid, linezolidmoxifloxacin (BPaLM). 

Trong bản cập nhật mới nhất của hướng dẫn điều trị lao DR-TB của WHO, bedaquiline được phân loại là thuốc nhóm A được coi là có hiệu quả cao và được khuyến cáo mạnh mẽ để đưa vào tất cả các phác đồ trừ khi có chống chỉ định. 

Có rất ít dữ liệu về việc sử dụng bedaquiline ở trẻ em. Tuy nhiên, hiện đã có viên nén phân tán 20mg dành cho trẻ em. Ngoài ra, Cục Quản lý Thực Phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã khuyến nghị sử dụng bedaquiline cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên, cân nặng ít nhất 15 kg. 

Bedaquiline có thể được sử dụng cho phụ nữ mang thai. 

Hiện nay, có một số lo ngại về khả năng kháng bedaquiline của vi khuẩn lao. Đáng chú ý, hiện tượng kháng chéo với clofazimine cũng đã được phát hiện.

2.2. Thuốc điều trị lao Delamanid

Vào năm 2014, ngay sau khi bedaquiline được chấp thuận, delamanid đã được EMA chấp thuận cho sớm đưa ra thị trường với tư cách là thuốc mới thứ hai để điều trị lao kháng thuốc. 

Cơ chế hoạt động cụ thể của Delamanid vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, Delamanid được cho là có tác dụng ức chế tổng hợp axit mycolic và và ức chế hô hấp tế bào.

Delamanid cho thấy hiệu quả tốt khi kết hợp với các thuốc điều trị lao hiện có

Delamanid có MIC90 thấp: 0,006–0,024 μg/mL và được phát hiện là có hoạt tính chống lại các chủng vi khuẩn lao đa kháng. Trong các thí nghiệm trên chuột, sự kết hợp của delamanid với rifampicin và pyrazinamide giúp khử trùng mô phổi nhanh hơn so với phác đồ tiêu chuẩn của thuốc chống lao hàng đầu. Hoạt tính của nó chống lại M. tuberculosis nội bào tương đương với rifampicin ở nồng độ 1–3 μg/mL.

Các tác dụng phụ của thuốc bao gồm nhiễm độc gan, mất cân bằng điện giải và kéo dài khoảng QT. 

Delamanid được kết hợp với các phác đồ nền và kết hợp với bedaquiline trong một số thử nghiệm cho thấy kết quả khá tốt. Ở trẻ em (từ 3 tuổi trở lên), delamanid cho thấy tính an toàn và tác dụng phụ tuyệt vời. Tuy nhiên, số lượng bằng chứng còn ít nên hiệu quả của delamanid vẫn chưa được xác định rõ. 

2.3. Thuốc điều trị lao Pretomanid

Phác đồ BPaL đã được nghiên cứu thành công trong thử nghiệm Nix-TB và được cấp phép để điều trị cho bệnh lao đa kháng, bệnh lao không dung nạp hoặc không đáp ứng với các phác đồ nền. Pretomanid đã được FDA chấp thuận vào năm 2019 để điều trị các chủng lao kháng thuốc, trong phác đồ BPaL. Vào năm 2020, Pretomanid đã nhận được sự chấp thuận có điều kiện của EMA.

Cơ chế hoạt động của Pretomanid là ức chế tổng hợp axit mycolic. Pretomanid có MIC90 là 0,063 μg/mL.

Pretomanidv ức chế tổng hợp axit mycolic của vi khuẩn lao

Đã quan sát thấy hiện tượng kháng chéo với delamanid. 

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của Pretomanid là rối loạn tiêu hóa, nôn mửa (có liên quan đến liều dùng) và tăng transaminase, nhiễm độc gan, đau đầu (không liên quan đến liều dùng). 

Hiện nay, các thử nghiệm kết hợp Pretomanid vào các phác đồ nền hoặc kết hợp với các thuốc cũ vẫn đang được thực hiện và đánh giá. 

Tóm lại, các hoạt chất mới này mở ra nhiều lựa chọn hơn cho phác đồ điều trị lao, đặc biệt là với các chủng lao đa kháng. Vì thế, bên cạnh việc tối ưu hiệu quả sử dụng các thuốc cũ, thì việc kết hợp với các thuốc mới trong phác đồ điều trị cũng là điều đáng cân nhắc.

Tài liệu tham khảo 

  1. Aguilar Diaz JM,  Abulfathi AA, […] (Ngày đăng: Tháng 02 năm 2023). New and Repurposed Drugs for the Treatment of Active Tuberculosis: An Update for Clinicians, Karger. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 04 năm 2023. 
  2. Dược sĩ Lưu Anh. Ngày đăng: Ngày 29 tháng 12 năm 2021. Bệnh Lao Da: Nguyên Nhân, Chẩn Đoán Và Phương Pháp Điều Trị. Vi Khuẩn Lao: Đặc Điểm, Chẩn Đoán, Phòng Và Điều Trị
  3. WHO (Ngày đăng: Tháng 02 năm 2022). Rapid communication: key changes to the treatment of drug-resistant tuberculosis, WHO. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 04 năm 2023. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 04 năm 2023.
  4. Dược sĩ Kiều Trang. Ngày đăng: ngày 19 tháng 12 năm 2021. Bệnh Lao Ở Người Lớn: Chẩn Đoán, Phác Đồ Điều Trị Và Dự Phòng. Viêm Màng Não Lao: Biểu Hiện Lâm Sàng, Chẩn Đoán, Điều Trị. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 04 năm 2023.
  5. Thuốc điều trị lao và lao kháng thuốc: tác dụng và phác đồ điều trị.
  6. WHO (Ngày đăng: Ngày 15 tháng 02 năm 2022). WHO consolidated guidelines on tuberculosis. Module 4: treatment – drug-resistant tuberculosis treatment, 2022 update, WHO. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 04 năm 2023. 
  7. Bệnh Lao Ở Trẻ Em: Nguy Cơ, Chẩn Đoán Và Phương Pháp Điều Trị.
  8. Dựoc sĩ Lưu Văn Hoàng. Ngày đăng: Ngày 20 tháng 09 năm 2021.. Lao Thanh Quản: Nguyên Nhân, Chẩn Đoán Và Điều Trị. Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 04 năm 2023.
  9. Bệnh lao phổi: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, chẩn đoán và cách điều trị theo BMJ.Ngày truy cập: Ngày 09 tháng 04 năm 2023.

Theo trungtamthuoc.com